Ở bài viết này, Datnenvenbien sẽ chỉ ra cho bạn biết đất BHK là gì và những điều cần quan tâm về đất BHK.
Đất BHK là gì?
Căn cứ theo Phụ lục số 01 Thông tư 27/2018/TT-BTNMT, đất BHK là kí hiệu của đất bằng trồng cây hàng năm khác (BHK) thuộc loại đất trồng cây hàng năm khác (HNK) nằm trong loại đất trồng cây hàng năm (CHN) và thuộc nhóm đất nông nghiệp.
Dưới đây là khái niệm của đất BHK cũng như khái niệm của các loại đất có liên quan theo Mục 1 (Loại đất) của Phụ lục.
Đất trồng cây hàng năm (CHN) là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một (01) năm; kể cả cây hàng năm được lưu gốc để thu hoạch trong thời gian không quá năm (05) năm và trường hợp trồng cây hàng năm theo chế độ canh tác không thường xuyên theo chu kỳ.
Đất trồng cây hàng năm bao gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác.
Đất trồng cây hằng năm khác (HNK) là đất trồng cây hàng năm không phải là trồng lúa, như các loại cây rau, màu; kể cả cây dược liệu, mía, đay, gai, cói, sả, dâu tằm và đất trồng cỏ hoặc cỏ tự nhiên có cải tạo để chăn nuôi gia súc.
Đất trồng cây hàng năm khác (HNK) bao gồm hai loại là đất bằng trồng cây hàng năm khác và đất nương rẫy trồng cây hàng năm khác.
Đất bằng trồng cây hàng năm khác (Đất BHK) là đất bằng phẳng ở đồng bằng, thung lũng, cao nguyên để trồng cây hàng năm khác.
7 điều cần quan tâm về đất BHK là gì?
Hạn mức giao đất BHK là bao nhiêu?
Căn cứ vào Điều 129 thuộc Chương 10 (Chế độ sử dụng các loại đất) của Luật Đất đai 2013, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm được quy định như sau:
- Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long
- Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
Thời hạn sử dụng đất BHK là bao lâu?
Căn cứ vào Điều 125 và Điều 126 thuộc chương 10 (Chế độ sử dụng các loại đất) của Luật Đất đai 2013, thời hạn sử dụng đất nói chung hay đất BHK nói riêng được phân ra thành hai loại là:
- Đất sử dụng ổn định lâu dài (không thời hạn: loại này là đất nông nghiệp do hội đồng dân cư sử dụng).
- Đất có thời gian sử dụng.
Đối với loại đất có thời gian sử dụng, ta có thể thấy được quy định rõ trong Điều 126 như sau:
- Thời hạn không quá 05 năm: thời hạn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
- Thời hạn không quá 50 năm: thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 129 của Luật đất đai 2013. Khi hết thời hạn, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu sẽ được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định.
- Thời hạn không quá 50 năm: thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân. Khi hết thời hạn thuê đất, hộ gia đình, cá nhân nếu có nhu cầu sẽ được Nhà nước xem xét tiếp tục cho thuê đất.
- Thời hạn không quá 70 năm: thời hạn giao đất, cho thuê đối với tổ chức để sử dụng vào các dự án lớn với mục đích nông nghiệp.
Lưu ý: Thời hạn sử dụng đất sẽ bị chấm dứt nếu phát sinh một số vấn đề. Ví dụ như bên cho thuê muốn hoàn trả đất khi không còn có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng đất sai mục đích canh tác nông nghiệp.
Gia hạn sử dụng đất BHK có được không?
Như đã trình bày ở phần trên về thời hạn sử dụng đất, có loại đất có thời gian sử dụng cụ thể và có loại thì lại không. Với loại có thời gian sử dụng cụ thể ta phải tiến hành gia hạn sử dụng đất.
Trường hợp cần gia hạn sử dụng đất:
- Hộ gia đình, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận vào mục đích đất nông nghiệp và trực tiếp sản xuất nông nghiệp do được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất thì khi hết thời gian sử dụng đất sẽ được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 126 và Khoản 3 Điều 210 của Luật Đất đai mà không cần làm thủ tục gia hạn sử dụng đất.
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp đã có Giấy chứng nhận với loại đất nông nghiệp do được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất thì khi hết thời hạn sử dụng đất, phải tiến hành gia hạn theo trình tự được quy định tại Khoản 3 Điều 74 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
- Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã được cấp giấy Chứng nhận với loại đất nông nghiệp, nếu có nhu cầu gia hạn sử dụng đất thì trước khi hết hạn sử dụng đất tối thiểu 6 tháng phải tiến hành theo trình tự được quy định tại Khoản 1 Điều 74 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
Trình tự gia hạn sử dụng đất cho các trường hợp trên theo Điều 74 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
Thời gian thực hiện thủ tục hành chính gia hạn sử dụng đất là không quá 15 ngày.
Tách thửa đất BHK? Hợp thửa đất BHK?
Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ.
Điều kiện để được tách thửa đất BHK nói riêng và đất nông nghiệp nói chung theo quy định của pháp luật trong Luật Đất đai 2013:
- Người muốn tách thửa phải là chủ sở hữu đất.
- Thửa đất đó thuộc trường hợp được tách thửa theo quy định của pháp luật.
- Thửa đất đó có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Thửa đất đó không phải là đất tranh chấp.
- Thửa đất đó phải có diện tích đáp ứng diện tích tối thiểu để tách thửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương) của địa phương đó.
- Thửa đất đó không nằm trong khu vực mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ra thông báo thu hồi đất.
- Quyền sử dụng thửa đất đó không bị kê biên
Thông thường, khi nhắc đến hợp thửa, người ta thường hay nói đến việc hợp thửa đất nông nghiệp vào đất thổ cư.
Trường hợp này, điều kiện chỉ cần các thửa đất đó liền kề nhau và các thửa đất có cùng mục đích sử dụng.
Thời gian thực hiện thủ tục tách thửa, hợp thửa đất đối với trường hợp Nhà nước giao đất để quản lý là không quá 20 ngày.
Chuyển đổi đất BHK về đất thổ cư có được không?
Đất thổ cư hay còn gọi là đất ở là loại đất được sử dụng cho mục đích xây nên các công trình nhà ở, chung cư. Đất thổ cư là tên gọi thông thường mà người dân dùng để chỉ đất ở chứ không phải một loại đất nào đó theo Luật Đất đai.
Loại đất nào cũng có mục đích sử dụng riêng của loại đất đó. Ví dụ đất trồng cây hàng năm thì sử dụng để trồng các loại cây thu hoạch hàng năm như rau, mía, dâu tằm… còn đất trồng cây lâu năm thì trồng các loại cây như bưởi, chôm chôm, măng cụt…
Loại đất nào cũng sẽ có mục đích sử dụng riêng và muốn chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác, ta phải xin phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Nếu bạn còn thắc mắc liệu đất BHK (đất bằng trồng cây hàng năm) có được chuyển thành đất thổ cư hay không thì câu trả lời là có. Tuy vậy nhưng bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Cần xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chuyển mục đích sử dụng đất. Cụ thể là xin phép Ủy ban nhân dân cấp huyện (huyện, quận, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương). Điều này được nêu rõ trong điểm d và điểm e Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013.
- Chỉ được phép chuyển đất BHK sang đất thổ cư khi đạt được hai điều kiện: kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện cho phép chuyển sang đất thổ cư và phải có đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất.
Xây nhà trên đất BHK có được không?
Như đã trình bày ở trên, loại đất nào thì cũng có mục đích sử dụng riêng. Bình thường, nếu muốn xây nhà trên đất BHK là không được.
Nhưng nếu bạn muốn được xây nhà trên đất BHK thì phải tiến hành xin chuyển mục đích sử dụng đất BHK sang đất ở (đất thổ cư). Sau khi được cấp phép chuyển mục đích sử dụng đất và được cấp các giấy tờ liên quan khác, bạn có thể tiến hành xây nhà trên đất thổ cư.
Đầu tư vào đất BHK có tốt không?
Ta thường nghe nói đầu tư vào bất động sản thì sẽ sinh lời rất cao. Và tất nhiên, tùy tầm nhìn và chiến lược của chủ đầu tư ra sao mà lợi nhuận thu lại được là cao hay thấp hoặc thậm chí là không thu lại được lợi nhuận và vốn bỏ ra.
Đối với đất BHK, với đặc điểm giá thành không cao như đất thổ cư, đây là loại đất được khá nhiều người để ý tới và đầu tư vào đất BHK là một hướng đầu tư ổn đối với nhiều người không quá dư dả tài chính.
Đất thổ cư hay còn được gọi là đất ở có giá thành rất cao, chính vì thế, chỉ có một số ít người đủ khả năng tài chính để đầu tư vào loại đất này.
Còn đối với đất BHK, chỉ cần mua một diện tích đất và xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm khác sang đất thổ cư thì giá trị của miếng đất đó sẽ cao hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, người đầu tư vào đất BHK phải thật sự có hiểu biết về quy trình cũng như điều kiện, thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Một số lưu ý khi đầu tư vào đất BHK:
- Nắm rõ các quy định pháp luật về Luật Đất đai.
- Chuẩn bị nguồn vốn đầy đủ do quá trình chuyển mục đích sử dụng đất khá tốn thời gian và có rủi ro cao.
- Tìm hiểu thực trạng quy hoạch chuyển đổi đất tại địa phương có chứa thửa đất BHK muốn đầu tư để tránh việc mua phải đất không thuộc diện quy hoạch đất ở.
Kết luận
Trên đây, Datnenvenbien đã căn cứ vào các điều luật trong Luật Đất đai 2013 và có thể coi là Luật Đất đai hiện hành để giải thích đất BHK là gì.
Cùng với đó, Datnenvenbien đã đưa ra một số quy định về đất BHK cũng như một số câu hỏi liên quan. Rất mong, bài viết này có thể giải quyết được thắc mắc của bạn.
Bạn có thể tham khảo:
Đất CPQ là gì? Làm sao để kinh doanh và sở hữu loại đất này.